CHÍNH PHỦ -------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------------
Số: 23/2009/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009
NGHỊ ĐỊNH
VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG; KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN; KHAI THÁC, SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG; QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT; QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ CÔNG SỞ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02 tháng 4 năm 2008
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đô thị, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao), quản lý phát triển nhà và công sở; hình thức và mức xử phạt; thẩm quyền và thủ tục xử phạt; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở do tổ chức, cá nhân thực hiện cố ý hoặc vô ý vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này.
2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, mà hành vi đó xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 3. Nguyên tắc và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành kịp thời, công minh, triệt để và đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm kể từ ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng); quá thời hạn trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Trong thời hiệu quy định tại khoản 2 Điều này, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính sau 01 năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày quyết định xử phạt hết hiệu lực mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính: phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng;
2. Các hình thức xử phạt bổ sung:
a. Thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề;
b. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
a. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm;
b. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
c. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra theo quy định của pháp luật.
4. Đối với những hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì ngoài việc bị xử phạt tiền theo quy định tại Nghị định này còn bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây gọi tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP).
Điều 5. Hình thức công bố hành vi vi phạm trên Trang tin điện tử (Website)
Ngoài việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính, nội dung vi phạm, hình thức xử phạt, việc khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 17, Điều 18, Điều 22, Điều 24, Điều 29 và Điều 34 của Nghị định này còn phải được công bố trên Trang tin điện tử (Website. của Bộ Xây dựng và của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Chương 2.
HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
MỤC I. HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ
Điều 6. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về khảo sát xây dựng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
a. Không phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng hoặc phương án bổ sung nhiệm vụ khảo sát trước khi nhà thầu thực
hiện khảo sát xây dựng;
b. Để thất lạc các mốc, cao độ khi đã được nhà thầu khảo sát xây dựng bàn giao;
c. Tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát không đúng trình tự, thủ tục quy định;
d. Không lưu trữ kết quả khảo sát theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
a. Tự thực hiện khảo sát xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định;
b. Không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng theo quy định;
c. Không tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng.
3. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về khảo sát xây dựng.
Điều 7. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về lập dự án đầu tư xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư tự thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng công trình khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
2. Ngoài hình thức phạt tiền, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 8. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về thiết kế, dự toán xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi:
a. Thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình không đúng trình tự, thủ tục quy định;
b. Không lưu trữ hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình;
c. Sửa chữa, bổ sung thiết kế làm thay đổi thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật không được nhà thầu thiết kế chấp thuận.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư tự thực hiện thiết kế xây dựng công trình khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
3. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về thiết kế xây dựng.
Điều 9. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đối với dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước
1. Phạt tiền:
a. Phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với chủ đầu tư không thành lập ban quản lý dự án trong trường hợp không đủ năng lực để tự thực hiện theo quy định; thành lập Ban quản lý dự án không đủ điều kiện năng lực theo quy định; không thuê tổ chức làm tư vấn quản lý dự án trong trường hợp không đủ năng lực để tự thực hiện theo quy định;
b. Phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với chủ đầu tư thay đổi nội dung của dự án không đúng quy định về điều chỉnh dự án.
2. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và thành lập Ban Quản lý dự án.
Điều 10. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ đầu tư không thông báo ngày khởi công bằng văn bản cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trước 7 ngày theo quy định.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công (đối với trường hợp vi phạm quy định về giấy phép xây dựng thì xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định này).
3. Hành vi vi phạm quy định về lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này còn bị buộc thực hiện đúng quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình.
Điều 11. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm các quy định về trật tự xây dựng
1. Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp:
a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn;
b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác ở nông thôn và đô thị;
2. Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng:
a. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn;
b. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác ở nông thôn và đô thị.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng sai thiết kế được thẩm định, phê duyệt; xây dựng sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng.
4. Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, sau khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
5. Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn; để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định:
a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác.
6. Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận:
a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn;
c. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác.
7. Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm công tác quản lý chất lượng công trình gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận:
a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn;
b. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác.
8. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại các Điều 12, 13, 14, 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Điều 12. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về giải phóng mặt bằng xây dựng công trình
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
a. Tổ chức giải phóng mặt bằng xây dựng sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt;
b. Thực hiện đền bù tài sản để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình sai quy định.
2. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về đền bù, giải phóng mặt
bằng.
Điều 13. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình
a. Không treo biển báo tại công trường thi công hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định;
b. Không lưu trữ kết quả giám sát thi công xây dựng công trình;
c. Không kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng như: nhân lực; thiết bị thi công; hệ thống quản lý chất lượng; giấy phép sử dụng máy móc thiết bị; chất lượng vật tư vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình;
d. Không kiểm tra biện pháp thi công của nhà thầu; không lập nhật ký giám sát thi công xây dựng công trình; không đóng dấu xác nhận vào bản vẽ thiết kế thi công trước khi đưa ra thi công.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư tự giám sát thi công xây dựng nhưng không đủ điều kiện năng lực theo quy định hoặc không tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định, trừ nhà ở riêng lẻ.
3. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về giám sát thi công xây dựng công trình.
Điều 14. Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
a. Không gửi báo cáo kết quả chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình xây dựng cho Sở Xây dựng;
b. Không lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng theo quy định;
c. Không gửi báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng cho Sở Xây dựng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với chủ đầu tư không báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý xây dựng theo quy định khi xảy ra sự cố công trình.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
a. Không thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định;
b. Không mua bảo hiểm công trình theo quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với chủ đầu tư không thực hiện kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình xây dựng hoặc công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa đối với người, tài sản, môi trường theo quy định.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chủ đầu tư không thuê tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực theo quy định để kiểm định chất lượng công trình trong trường hợp công trình xảy ra sự cố.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với chủ đầu tư thi công xây dựng công trình sai quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng được quy định trong hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
7. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 15. Xử phạt chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng có hành vi vi phạm quy định về bảo trì công trình xây dựng
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng không tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy trình bảo trì do nhà thầu thiết kế xây dựng lập.
2. Ngoài hình thức xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình xây dựng còn bị buộc thực hiện đúng quy định về bảo trì công trình xây dựng do nhà thầu thiết kế xây dựng lập
.............................(còn tiếp)
@Copyright 2013 - 2018 Exploitation and Communication Office
Thiết kế Tổ Công nghệ thông tin và Truyền thông